RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG
CHO CÁN BỘ,
ĐẢNG VIÊN THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt
nam, nhà tư tưởng, nhà lý luận thiên tài của cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ
xuất sắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt
động cách mạng của Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta
nhiều di sản tư tưởng quý báu và tấm gương sáng ngời về phẩm chất
đạo đức của người chiến sĩ cách mạng chân chính.
Đề cập
đến đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên, Người
cho rằng: Đạo đức cách mạng là "cái gốc'' cái căn bản của người
cách mạng. Có đạo đức cách mạng mới trở thành người cán bộ, đảng viên
tốt; mới làm tròn vai trò người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành,
tận tuỵ của nhân dân. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn
thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có
đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được
nhân dân”. Theo Người, đạo đức cách mạng là nhân tố bảo đảm sự thống nhất, là cơ
sở củng cố khối đoàn kết vững chắc trong Đảng, là cơ
sở, nền tảng để mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu hoàn thiện mình nên
Người đặc biệt chú trọng đến rèn luyện đạo đức cách mạng cho
đội ngũ cán bộ đảng viên. Người quan niệm Đảng Cộng sản không chỉ là nhân tố
chính trị, bộ phận hợp thành và lãnh
đạo hệ thống chính trị, mà sâu xa hơn, đó còn là một phạm trù đạo đức. Người
khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đảng
Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong, bộ phận ưu tú của giai cấp công nhân,
nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Tính tiên phong, gương mẫu của Đảng được thể
hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó đạo
đức là nguồn sức mạnh bảo đảmvai trò lãnh đạo của Đảng.
Theo Người, đạo đức cách mạng bắt nguồn từ bản chất cách mạng và sứ mệnh lịch
sử của giai cấp công nhân, giá trị, truyền thống đạo đức của dân tộc và được kết
hợp chặt chẽ với tinh hoa đạo đức nhân loại. Đạo đức cách mạng là đạo đức vĩ đại, biết đặt
lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, suốt
đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh
phúc của nhân dân, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự
giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Trong
bất kỳ ở hoàn cảnh nào, cán bộ, đảng viên cũng phải luôn phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để
nâng cao trình độ văn hoá, trí thức và bản lĩnh chính trị, luôn giữ
gìn kỷ luật, rèn luyện đạo đức thường xuyên, liên tục, phải tu dưỡng
đạo đức suốt đời. Theo Người: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu
tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng
mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Cán
bộ, đảng viên nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức cách
mạng cho người khác học tập, noi theo.
Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên
là điểm mấu chốt có ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Đảng, là nhân tố quan trọng
hàng đầu có tác dụng tập hợp và cổ vũ mạnh mẽ đối với quần chúng nhân dân trong việc thực
hiện mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng. Người
cách mạng phải có tình cảm đạo đức cách mạng mới làm được cách mạng, phải biết
yêu thương gia đình, yêu thương đồng bào, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp thì
mới biết, mới dám chấp nhận mọi hy sinh cho đồng chí, đồng bào, cho cách mạng,
cho dân tộc. Đạo đức Hồ Chí Minh không những giàu lòng nhân ái, bao dung mà còn
có đức tin ở nhân dân, kính trọng nhân dân, luôn luôn vì dân, đề cao vai trò,
sức mạnh vô địch của nhân dân. Người khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng
chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Hồ Chí Minh đặc
biệt quan tâm đến công tác giáo dục, rèn
luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn diện về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác,
tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên. Trong
đó giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đảng viên là cái gốc, là vấn đề cốt
lõi, nền
tảng của người cách mạng. Người cán bộ, đảng viên phải lấy đức làm gốc. Bản
thân Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng, tiêu
biểu cho những giá trị cao đẹp trong tâm hồn, ý chí, nhân cách Việt Nam.
Trước yêu cầu của công
cuộc đổi mới đất nước, để góp
phần nhằm làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận
thức sâu sắc về những nội dung cơ bản, giá trị to
lớn của tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức rèn luyện, tu dưỡng
đạo đức cách mạng, ngày 15/5/2016, Bộ chính trị Khoá XII ra Chỉ
thị số 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh". Đây là nội dung quan trọng
của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay. Nhấn mạnh hơn
nữa về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của việc học tập Bác đối với công tác
xây dựng Đảng một cách toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức cách
mạng. Làm cho tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền
tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hoá, con người Việt
Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục
tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Thấm nhuần tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ,
đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, thật sự
tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc, nói đi đôi
với làm; xứng đáng là người lãnh đạo, người
đầy tớ trung thành của nhân dân; suốt đời phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập
dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, luôn đặt
lợi ích của Đảng, của dân tộc, của tập thể lên trên lợi
ích cá nhân; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Thường
xuyên tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống; nêu
cao tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình. Cán
bộ, đảng viên phải tu dưỡng đạo đức suốt đời, phấn đấu
là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho quần chúng nói theo.
Người viết: Đỗ Văn Oánh
Nhận xét
Đăng nhận xét